Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp
Phật Sở Hộ Niệm
Phụng chiếu dịch: Diêu Tần Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
— o0o —
Phẩm Tùy Hỷ Công Đức
Tùy hỷ là gì ? Tùy là tùy thuận. Tùy sự, tùy lý, tùy quyền, tùy thật. Hỷ là hỷ khánh, khánh nhân, khánh quả, khánh hạnh, phụng hành Phật pháp, hoằng dương Phật pháp. Nói một cách rõ hơn, tùy sự tức là tùy thuận sự tướng; tùy lý là tùy thuận lý tánh. Lý tức là lý thể thực tướng, bổn tánh của pháp giới. Bổn tánh pháp giới chẳng ngoài một tâm niệm hiện tiền. Một tâm niệm hiện tiền, bao quát tánh pháp giới và thể pháp giới. Một tâm niệm hiện tiền, tùy công đức của pháp giới, cho nên nói tuỳ hỷ công đức.
Bổn thể của Phật tức là lý, lý của Phật cũng tức là pháp thân. Phật xuất hiện ra đời để giáo hóa tất cả chúng sinh trong mười phương, đó là sự. Do lý mà tùy sự, do sự mà tùy lý, đây gọi là lý sự không hai. Sự chẳng lìa lý, lý chẳng rời sự. Nhìn lại là hai, song kỳ thật là một, nhìn lại là một, nhưng lại có thể phân làm hai. Cho nên nói hai chẳng phải hai, chẳng phải hai mà hai. Hai mà chẳng phải hai, chẳng phải hai mà hai, tức là lý trung đạo.
Tùy quyền tùy thật công đức, tức là công đức tùy hỷ của Phật nói về quyền, công đức tùy hỷ của Phật nói về thật. Mình có nhân lành thì mới nghe được diệu pháp, đây là nhân của sự hỷ khánh mà gặp được diệu pháp này. Sau khi gặp được diệu pháp mà chuyên tâm tu trì, thì tương lai sẽ đắc được quả bồ đề.
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! nhược hữu Thiện nam tử, thiện nữ nhân, văn thị Pháp Hoa Kinh tùy hỉ giả, đắc kỷ sở phước?” Nhi thuyết kệ ngôn:
Lúc bấy giờ, Ngài Di Lặc Ðại Bồ tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe kink Pháp hoa này mà tuỳ hỉ đó, đặng bao nhiêu phước đức ? Liền nói kệ rằng:
Sau khi nói xong Phẩm Phân Biệt Công Ðức, thì lúc đó đại Bồ Tát Di Lặc bèn bạch với Ðức Phật Thích Ca rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Nếu như có người thiện nam, người thiện nữ, giữ năm giới hành thập thiện, nghe được Kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ công đức, thì họ đắc được bao nhiêu phước đức ? ‘’Ðại Bồ Tát Di Lặc lại nói ra bài kệ.
Thế Tôn diệt độ hậu, Sau khi Phật diệt độ
Kỳ hữu văn thị Kinh. Có người nghe kinh nầy
Nhược năng tùy hỉ giả, Nếu hay tùy hỉ đó
Vị đắc kỷ sở phước ? Lại đặng bao nhiêu phước ?
Sau khi Ðức Thế Tôn diệt độ, tương lai có người nghe được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà sinh một tâm niệm tùy hỷ, thì người đó đắc được bao nhiêu phước đức ? Xin Thế Tôn từ bi khai thị.
Bấy giờ, đức Phật bảo đại Bồ Tát Di Lặc : A Dật Ða ! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, và những người có trí khác, hoặc già, hoặc trẻ, nghe kinh này mà tùy hỷ. Từ pháp hội ra đi đến nơi khác.
Nhĩ thời, Phật cáo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát: “A Dật Đa! Như Lai diệt hậu, nhược Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà tắc, Ưu Bà di, cập dư trí giả nhược trường nhược ấu. Văn thị Kinh tùy hỉ dĩ. Tùng pháp hội xuất, chí ư dư xứ, nhược tại tăng phường, nhược không nhàn địa.” Nhược thành ấp, hạng mạch, tụ lạc, điền lý. Như kỳ sở văn, vi phụ mẫu, tông thân, thiện hữu, tri thức, tùy lực diễn thuyết. Thị chư nhân đẳng, văn dĩ tùy hỉ, phục hành chuyển giáo; Dư nhân văn dĩ, diệc tùy hỉ chuyển giáo. Như thị triển chuyển, chí đệ ngũ thập.
Khi đó Phật bảo ngài Di Lặc Ðại Bồ Tát rằng: A Dật Ða! Sau khi Như Lai diệt độ nếu có Tỳ Kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di và người trí khác, hoặc lớn, hoặc nhỏ nghe kinh này mà tùy hỉ rồi, từ trong pháp hội ra đến chỗ khác, hoặc tại tăng phường, hoặc chỗ vắng vẻ, hoặc thành ấp, đường xá, xóm làng, ruộng rẫy, đem pháp đúng như chỗ đã nghe mà vì cha mẹ tôn thân, thiện hữu tri thức tuỳ sức diễn nói. Các người đó nghe rồi tùy hỷ lại di chuyển dạy người khác nghe rôì cũng tuỳ hỹ chuyễn dạy, xoay vần như thế đến người thứ năm mươi
Lúc đó Ðức Phật bảo đại Bồ Tát Di Lặc rằng : ‘’A Dật Ða ! Sau khi Như Lai vào Niết Bàn rồi, ngoài các hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, bốn chúng này ra, như có những người trí huệ, bất cứ là già hoặc trẻ, từ trong pháp hội nghe Kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ rồi, từ trong pháp hội ra đi đến những nơi khác, vì người khác giải nói nghĩa lý của kinh này, thì sẽ đắc được phước đức không thể nghĩ bàn.’’
Hoặc tại nhà của chư Tăng ở, hoặc tại chỗ vắng vẻ, hoặc tại thành ấp đường xá, xóm làng ruộng nương, đem sự nghe của mình mà vì cha mẹ, người thân, bạn bè, tri thức, tùy sức mà diễn nói, khiến cho họ nghe rồi mà tùy hỷ, lại đi diễn nói với người khác, người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, lại đi diễn nói với người khác nữa, cứ như thế cho đến người thứ năm mươi.
Hoặc tại chỗ chư Tăng ở, hoặc ở tại chỗ vắng vẻ trong thâm sơn cùng cốc, hoặc tại thành ấp, đường xá, xóm làng, ruộng nương .v.v… Ðem Phật pháp mà mình nghe được ở tại pháp hội, vì cha mẹ, người thân, bạn bè, tri thức, tùy sức hiểu biết của mình, mà vì họ giải nói nghĩa lý của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khiến cho họ gieo trồng căn lành, đắc được lợi ích công đức tùy hỷ.
Những người tùy hỷ kinh điển đó, nghe rồi lại đi giáo hóa người khác, vì họ giải nói nghĩa lý trong kinh, khiến cho họ nghe rồi lại tùy hỷ, cứ như thế cho đến người thứ năm mươi, người đó đắc được phước đức nhiều không thể nói đặng.
A Dật Đa! kỳ đệ ngũ thập Thiện nam tử, thiện nữ nhân, tùy hỉ công đức, ngã kim thuyết chi, nhữ đương thiện thính. Nhược tứ bách vạn ức a tăng kì thế giới, lục thú tứ sanh chúng sanh noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, nhược hữu hình, vô hình, hữu tưởng, vô tưởng, Phi hữu tưởng, Phi vô tưởng, vô túc, nhị túc, tứ túc, đa túc, như thị đẳng tại chúng sanh số giả hữu nhân cầu phước, tùy kỳ sở dục ngu lạc chi cụ. giai cấp dữ chi.
A Dật Ða! Công đức tùy hỷ của thiện nam tử, thiện nữ nhơn thứ năm mươi đó, ta nay nói ông phải lóng nghe. Nêú có trăm muôn ức vô số thế giới có sáu đường chúng sanh trong bốn loài sanh; noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hoá sanh, hoặc có hình, không hình, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng phải không tưởng, không chưn, hai chưn, bốn chưn, nhiều chưn, tất cả trong số chúng sanh như thế, có người cầu phước tuỳ theo đồ ưa thích của chúng muốn diều cung cấp cho đó.
Ðức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Ða ! Người thiện nam, người thiện nữ, thứ năm mươi đó, tùy hỷ công đức, bây giờ ta vì ông mà nói ra. Ông nên tập trung chú ý nghe.’’
Nếu như có bốn loài sáu đường chúng sinh, trong bốn trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới. Bốn loài là loài sinh bằng trứng, bằng thai, bằng ẩm ướt, bằng biến hóa sinh ra. Sáu đường chúng sinh là trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Loài sinh bằng trứng thì trứng do tưởng mà sinh ra, loại sinh bằng thai thì thai do tình mà có, loài sinh bằng ẩm ướt thì nhờ ẩm ướt mà hợp cảm, loài biến hóa thì nhờ hóa mà ly ứng. Tóm lại, loài sinh bằng trứng, thai, ẩm ướt, biến hóa, đều là nghiệp quả sở cảm; tình tưởng ly hợp, đều là nghiệp nhân năng cảm.
Loài sinh bằng thai : Do ái tình mà sinh ra. Loài sinh bằng trứng : Chỉ nhờ loạn tưởng mà sinh ra. Loài sinh bằng ẩm thấp : Ngửi hương tham vị phối hợp mà cảm. Loài sinh bằng biến hóa : Chán cũ vui mới, nhờ đó mà ứng. Ðây là chúng sinh của dục giới. Chúng sinh có hình thuộc về sắc giới; chúng sinh vô hình thuộc về cõi vô sắc, chúng sinh không thức nhị biên xứ. Vô tưởng là chúng sinh vô sở hữu xứ. Phi hữu tưởng phi vô tưởng là chúng sinh phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðây là tên gọi của chín loài chúng sinh.
Loài không chân là loài giun .v.v… Loài hai chân là chó, gà, chim .v.v… Loài bốn chân là cọp, sư tử .v.v… Loài nhiều chân là rết, cuốn chiếu .v.v… Hết thảy các loài chúng sinh. Có người vì cầu phước mà tùy thuận sự ưa muốn của họ, đều cung cấp cho họ đầy đủ, chẳng thiếu món gì.
Nhất nhất chúng sanh, dữ mãn Diêm phù đề kim, ngân, lưu ly, xa cừ mã não, san hô, hổ phách. Chư diệu trân bảo, cập tượng, mã xa thừa, thất bảo sở thành cung điện lâu các đẳng.
Mỗi mỗi chúng sanh cho các trân bảo tốt: vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách đầy cả Diêm phù đề và voi ngựa, xe cộ, bảy báu làm thành những cung điện lầu gác v.v..
Hết thảy chúng sinh đều bố thí đầy Diêm Phù Ðề : Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách hết thảy các thứ châu báu đá quý và voi, ngựa, xe cộ, cung điện, lầu các, làm bằng bảy báu .v.v… Phàm là những gì chúng sinh cần, thì vị đại thí chủ đó đều bố thí tất cả, tuyệt đối không có tâm san tham.
Thị Đại thí chủ, như thị bố thí mãn bát thập niên dĩ. Nhi tác thị niệm: “Ngã dĩ thí chúng sanh ngu lạc chi cụ. Tùy ý sở dục, nhiên thử chúng sanh, giai dĩ suy lão niên qua bát thập, phát bạch diện trứu. Tướng tử bất cửu, ngã đương dĩ Phật Pháp nhi huấn đạo chi.” tức tập thử chúng sanh, tuyên bố pháp hóa, thị giáo lợi hỉ, nhất thời giai đắc Tu đà hoàn đạo, Tư đà hàm đạo, A na hàm đạo, A La Hán đạo, tận chư hữu lậu, ư thâm Thiền định giai đắc tự tại, cụ bát giải thoát.” Ư nhữ ý vân hà? Thị Đại thí chủ sở đắc công đức ninh vi đa bất?
Vị đại thí chủ đó bố thí như thế đủ tám mươi năm rồi mà nghĩ rằng: Ta đã ban cho chúng sanh những đồ ưa thích tuỳ theo ý muốn, những chúng sanh nầy đều già suy tuổi quá tám mươi; tóc bạc mặt nhăn gần chết chẳng lâu, ta phải dùng Phật Pháp mà dạy bảo diù dắt chúng. Liền nhóm chúng sanh đó tuyên bày pháp giáo hóa, chỉ dạy lợi ích vui mừng. Ðồng thời đặng đạo Tu đà hoàn, đạo Tư đà hàm, đạo A na hàm, đạo A la Hán dứt hết cả hữu lậu, với những thiền định sâu đều đặng tự tại, đủ tám giải thoát. Ý ông nghĩ sao ? Công đức của đại thí chủ đó đặng có nhiều chăng ?
Ðại thí chủ đó, bố thí như vậy, mãn tám mươi năm rồi, bèn nghĩ như vầy: Ta đã bố thí cho chúng sinh những đồ vui thích, tùy ý sự ưa muốn của họ, nhưng những chúng sinh này đều đã già nua, tuổi đã quá tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, sự chết chẳng còn bao lâu. Ta nên dùng Phật pháp để giáo hóa họ.
Vị đại thí chủ đó, lại bố thí bảy báu, bố thí xe cộ, bố thí cung điện cho chúng sinh. Người nhân gian đi du hành phải đi bằng xe, thuyền; người trên trời đi du hành bằng cung điện. Tóm lại, người ở trên trời ngồi ở trong cung điện, thì có thể đi du hành khắp nơi, tốc độ còn nhanh hơn hỏa tiễn hiện đại. Có người khởi vọng tưởng : ‘’Cung điện làm sao di động được ?‘’ Cảnh giới này, đợi khi nào bạn chứng được ngũ nhãn lục thông, thì tự nhiên sẽ biết. Ðây chẳng phải là việc bí mật, mà là việc bình thường, chỉ cần dụng công tu hành, nỗ lực tham thiền thì sớm sẽ hiện thực.
Bố thí như thế trải qua tám mươi năm. Vị đại thí chủ đó bèn nghĩ như vầy: ‘’Ta đã bố thí cho chúng sinh những đồ vui thích, đều tùy thuận tâm ý của họ. Họ muốn gì thì ta bố thí cái đó. Song, những chúng sinh đó đã già nua, tuổi tác đã hơn tám mươi, tóc bạc mặt nhăn, cái chết chẳng còn bao lâu. Ta nên dùng Phật pháp để dạy họ, khiến cho họ kịp thời tu hành, thoát khỏi biển khổ sinh về Tịnh Ðộ.’’
Bèn triệu tập những chúng sinh đó, truyền bá Phật pháp giáo hóa, khiến cho họ được lợi ích sinh tâm hoan hỷ. Nhất thời đều đắc được đạo Tu Ðà Hoàn, đạo Tư Ðà Hàm, đạo A Na Hàm, đạo A La Hán, sạch các hữu lậu, nơi thiền định thâm sâu, đều đắc được tự tại, đủ tám giải thoát. Ý của ông thế nào ? Vị đại thí chủ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?
Vị đại thí chủ đó nghĩ rồi, bèn lập tức triệu tập hết thảy chúng sinh lại, tuyên bố Phật pháp, chỉ dạy giáo hóa họ, khiến cho họ đắc được lợi ích Phật pháp, sinh tâm hoan hỷ. Những chúng sinh đó, sớm đắc được quả vị A La Hán. Thời gian chẳng bao lâu, có người chứng được đạo quả Tu Ðà Hoàn (sơ quả), dịch là “dự lưu”, vào dòng Thánh nhân pháp tánh, ngược dòng phàm phu lục trần, chẳng cùng dòng hợp ô, thân tâm thanh tịnh, chẳng bị cảnh giới chuyển. Ðã đoạn sạch dục giới tám mươi tám phẩm kiến hoặc. Còn bảy lần sinh tử, mới chứng được tứ quả vô học vị.
Có người chứng được đạo quả Tư Ðà Hàm (nhị quả), dịch là “nhất lai vãng”, còn một lần thọ sinh lên trời và sinh xuống nhân gian, đã đoạn dục giới tư hoặc sáu phẩm trước. Tại tam giới có cửu địa, mỗi địa có chín phẩm tư hoặc, cộng thành tám mươi mốt phẩm tư hoặc. Có người chứng được đạo quả A Na Hàm (tam quả), dịch là “bất lai”, chẳng đến dục giới thọ sinh tử nữa. Ðã đoạn sạch dục giới (ngũ thú tạp cư địa) tư hoặc ba phẩm sau, còn sắc giới và vô sắc giới bảy mươi hai phẩm tư tưởng chưa đoạn. Có người chứng được đạo quả A La Hán (tứ quả), dịch là “sát tặc”, tức là giết tặc phiền não. Lại dịch là “ứng Cúng”, tức là xứng đáng thọ nhận trời người cúng dường. Còn có nghĩa nữa là “vô sinh”, tức là chẳng thọ quả báo sinh tử.
Cảnh giới của A La Hán đã đoạn sạch tất cả hữu lậu ba cõi, do đó : ‘’Chư lậu đã tận, phạm hạnh đã lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.’’ (Các lậu đã sạch, phạm hạnh đã vững, những gì cần làm đã làm xong, chẳng còn thọ thân sau nữa). Ở trong thiền định thâm diệu đều được tự tại.
Lại có đủ tám giải thoát. Tức là xả bỏ tham ái ba cõi, giải thoát khỏi tám thứ thiền định trói buộc:
1). Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
2). Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
3). Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ.
4). Không vô biên xứ giải thoát.
5). Thức vô biên xứ giải thoát.
6). Vô sở hữu xứ giải thoát.
7). Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.
8). Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ túc trụ.
Phật nói với Bồ Tát Di Lặc : ‘’Ý của ông như thế nào ? Vị đại thí chủ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?‘’
Có người hỏi : ‘’Cửu địa là gì ? ‘’Ðáp : Tại dục giới có nhất địa, gọi là ngũ thú tạp cư địa, tức là trời, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, thế giới của năm loài chúng sinh ở lộn lạo.
Tại sắc giới có tứ địa.
1). Sắc giới trời sơ thiền, gọi là Ly sinh hỷ lạc địa, vì lìa khỏi dục giới thọ sinh, cho nên trong tâm cảm thấy vừa hoan hỷ vừa khoái lạc.
2). Sắc giới trời nhị thiền, gọi là Ðịnh sinh hỷ lạc địa. Vì từ trong đînh, sinh ra một thứ hoan hỷ, chẳng gì sánh bằng, mà được cảnh giới khoái lạc.
3). Sắc giới trời tam thiền, gọi là Ly hỷ diệu lạc địa. Ðã lìa khỏi hoan hỷ thô, đắc được khoái lạc vi diệu.
4). Sắc giới trời tứ thiền, gọi là Xả niệm thanh tịnh địa. Xả bỏ diệu lạc niệm đầu của tam thiền, thân tâm thanh tịnh, một bụi trần không nhiễm.
Tại vô sắc giới có tứ địa
1). Không vô biên xứ địa. Tuy cảm giác chẳng có thân, nhưng có tâm thức tác dụng.
2). Thức vô biên xứ địa, sáu thức trước hoàn toàn diệt tận, chỉ có hai thức sau tồn tại.
3). Vô sở hữu xứ địa. Chế phục được thức thứ bảy, chỉ còn thức thứ tám tồn tại.
4). Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa. Ðịnh lực khống chế thức thứ tám, không thể hoạt động là phi tưởng. Ðịnh lực chẳng đủ, thức thứ tám lại hoạt động là phi phi tưởng. Bất động tức chẳng có sinh tử, có động thì có sinh tử. Tóm lại, đem ba cõi vẽ thành cửu địa, làm tiêu chuẩn tiến lên của người tu hành, dụng công tu hành thành tựu, thì thăng lên một giai đoạn. Vượt quá phạm vi cửu địa, thì chứng được tứ quả A La Hán, hoặc sơ trụ Bồ Tát, chấm dứt phân đoạn sinh tử, chưa đoạn được biến dịch sinh tử. Tu đến Ðẳng giác Bồ Tát vị, thì vẫn còn một phần sinh tướng vô minh chưa đoạn. Nếu đoạn sạch thì lập tức đến Diệu giác quả vị (quả vị Phật). Song, Bồ Tát chẳng muốn đoạn một phần vô minh cuối cùng. Vì Bồ Tát phát tâm đảo giá từ thuyền, phổ độ chúng sinh, do đó:
‘’Chúng sinh độ hết, mới chứng bồ đề.’’
“Di Lặc bạch Phật ngôn: “Thế Tôn! Thị nhân công đức thậm đa. Vô lượng vô biên. Nhược thị thí chủ, đãn thí chúng sanh nhất thiết nhạo cụ. Công đức vô lượng; hà huống lệnh đắc A La Hán quả.”
Ngài Di Lặc bạch Phật rằng: Thế Tôn! Công đức của người đó rất nhiều vô lượng vô biên. Nếu thí vị thí chủ đó chỉ thí tất cả đồ ưa thích cho chúng sanh, công đức đã vô lượng rồi, huống làm cho đều đặng quả A la hán.
Bồ Tát Di Lặc nói với Phật rằng : ‘’Ðức Thế Tôn ! Công đức của vị thí chủ đó rất nhiều. Vì vị đó chẳng những bố thí tất cả đồ vui thích, mà còn khiến cho tất cả chúng sinh chứng được tứ quả A La Hán, cho nên nói công đức vô lượng vô biên.’’
Phật cáo Di Lặc: “Ngã kim phân minh ngữ nhữ. Thị nhân dĩ nhất thiết nhạo cụ. Thí ư tứ bách vạn ức a tăng kì thế giới lục thú chúng sanh, hựu lệnh đắc A La Hán quả, sở đắc công đức, bất như thị đệ ngũ thập nhân. Văn Pháp Hoa Kinh nhất kệ tùy hỉ công đức, bách phần, Thiên phần, bách Thiên vạn ức phần, bất cập kỳ nhất. Nãi chí toán số thí dụ sở bất năng trai.”
Phật bảo ngài Di Lặc: Ta nay rành rẽ nói cùng ông, người đó đem tất cả đồ vui thích thí cho sáu đường chúng sanh trong bốn trăm ức vô số thế giới, lại khiến đặng quả A la hán, công đức cuả người đó chẳng đặng bằng công đức của người thứ năm mươi kia nghe một bài kệ kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ, trăm phần, nghìn phần, muôn ức phần chẳng bằng một phần, nhẫn đến tính, đếm, thí dụ không thể biết được.
Ðức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc : ‘’Bây giờ ta phân tích rõ ràng đạo lý này cho ông rõ. Vị đại thí chủ đó, đem tất cả đồ vui thích, bố thí cho sáu đường chúng sinh, trong trăm vạn ức A tăng kỳ thế giới, lại khiến cho những chúng sinh đó, đều chứng được quả vị A La Hán, công đức của người đó đắc được, chẳng bằng người thứ năm mươi, nghe một bài kệ Kinh Pháp Hoa, công đức tùy hỷ trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cũng chẳng bằng một phần, cho đến tính toán, ví dụ, để hình dung, cũng chẳng cách chi biết được cứu kính có bao nhiêu ?‘’
A Dật Đa! Như thị đệ ngũ thập nhân triển chuyển văn Pháp Hoa Kinh tùy hỉ công đức, thượng vô lượng vô biên a tăng kì, hà huống tối sơ ư hội trung văn nhi tùy hỉ giả, kỳ phước phục thắng, vô lượng vô biên a tăng kì, bất khả đắc bỉ.
A Dật Ða! Người thứ năm mươi như thế, xoay vần nghe kinh Pháp Hoa, công đức tuỳ hỷ còn vô lượng vô biên a tăng kỳ, huống là người tối sơ ở trong hội nghe kinh mà tuỳ hỷ, phước đó lại hơn vô lượng vô biên a tăng kỳ không thể sánh được.
Ðức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Ða ! Như người thứ năm mươi đó, lần lượt nghe được Kinh Pháp Hoa, mà phát tâm tùy hỷ, còn đắc được công đức vô lượng vô biên A tăng kỳ. Hà huống là người đầu tiên, trực tiếp nghe Kinh Pháp Hoa ở trong pháp hội, mà phát tâm tùy hỷ, công đức của người này, đương nhiên phải thù thắng hơn công đức của người gián tiếp nghe Kinh Pháp Hoa (người thứ năm mươi vô lượng vô biên A tăng kỳ, cũng không thể so sánh được).’’ Tóm lại, ở trong đạo tràng nghe Kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ, thì công đức không thể nói, không thể nói, tức là dù nói, cũng nói không ra cứu kính có bao nhiêu.
Hựu. A Dật Đa! nhược nhân vi thị Kinh cố, vãng nghệ tăng phường, nhược tọa, nhược lập tu du thính thọ, duyên thị công đức, chuyển thân sở sanh, đắc hảo thượng diệu tượng, mã xa thừa, trân bảo liễn dư, cập thừa Thiên cung.
A Dật Da! Nếu có người vì kinh này mà qua đến tăng phường, hoặc ngồi hoặc đứng, trong chốc lát nghe nhận, nhờ công đức đó chuyển thân sanh ra đặng voi, ngựa, xe cộ, kiệu, cáng bằng trân baỏ tốt đẹp bực thượng và ở thiên cung.
Ðức Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Ða ! Nếu như có người, vì ngưỡng mộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà đến chỗ chư Tăng ở, hoặc là ngồi, hoặc là đứng, để nghe Kinh Pháp Hoa trong chốc lát. Do công đức đó, mà tái sinh đời sau, được sinh vào nhà vua, có đủ voi ngựa, xe cộ, châu báu, kiệu cáng, hoặc được sinh về cõi trời có cung điện bảy báu.’’
Nhược phục hữu nhân ư giảng Pháp xứ tọa. Cánh hữu nhân lai, khuyến lệnh tọa thính. Nhược phần tọa lệnh tọa. Thị nhân công đức, chuyển thân đắc Đế Thích tọa xử, nhược Phạm Vương tọa xử, nhược Chuyển luân Thánh Vương sở tọa chi xử.
Nếu có người ngồi trong chỗ giảng pháp, sau lại có người đến bèn khuyên mời ngồi nghe, hoặc chia chỗ cho ngồi, công đức của người đó chuyển thân đặng chỗ ngồi của Ðế Thích hoặc chỗ ngồi của Phạm Vương hoặc hoặc chỗ ngồi của Chuyển Luân Thánh Vương.
Nếu lại có người, ngồi ở nơi giảng pháp nghe Kinh Pháp Hoa, sau đó lại có người đến bèn khuyên họ ngồi xuống nghe kinh, hoặc phân chia nửa chỗ của mình cho họ ngồi, hai người cùng ngồi một chỗ, hoặc nhường chỗ ngồi cho họ ngồi, thì công đức của người đó, khi tái sinh đời sau, sẽ được chỗ ngồi của trời Ðế Thích, hoặc chỗ ngồi của Phạm Thiên Vương hoặc chỗ ngồi của vua Chuyển Luân Thánh Vương.
Các vị ! Nếu như có người đến Phật Giáo Giảng Ðường nghe kinh, phải chiêu đãi giúp tìm chỗ ngồi. Nếu có người không có chỗ ngồi, thì hãy chia nửa chỗ ngồi của mình cho họ ngồi, hoặc là nhường chỗ ngồi của mình cho họ ngồi, thì tương lai chắc chắn sẽ có phước báu. Tóm lại, phàm là người đến nghe kinh thì phải chiêu đãi, đừng giống như người gỗ, chẳng đếm xỉa gì đến họ, khiến cho họ sinh sợ, lần sau họ chẳng dám đến nữa. Phải biết chiêu đãi khách, là lễ phép chứ chẳng phải phan duyên, điểm này phải chú ý.
A Dật Đa! nhược phục hữu nhân. Ngữ dư nhân ngôn: “Hữu Kinh danh Pháp Hoa, ” khả cọng vãng thính. Tức thọ kỳ giáo, nãi chí tu du gian văn, thị nhân công đức, chuyển thân đắc dữ đà la ni Bồ Tát cộng sanh nhất xử, lợi căn trí tuệ, bách Thiên vạn thế chung bất âm ngọng, khẩu khí bất xú, thiệt thường vô bệnh, khẩu diệc vô bệnh, xỉ bất cấu hắc, bất hoàng, bất thụ diệc, bất khuyết lạc. bất sái, bất khúc. Thần bất hạ thùy diệc bất khiên súc, bất thô sáp, bất sang diều, diệc bất khuyết hoại. Diệc bất oa tà, bất hậu, bất Đại, diệc bất lê hắc, vô chư khả ác. Tỳ bất biển, diệc bất khúc lệ, diện sắc bất hắc, diệc bất hiệp trường, diệc bất oa khúc.
A Dật Ða! Nếu lại có người nói với người khác rằng: Có Kinh tên Pháp Hoa nên cùng nhau qua nghe, liền nhận lời bảo nhẫn đến nghe trong giây lát, công đức của người đó, chuyển thân đặng với Ðà La Ni Bồ tát, sanh chung một chỗ, căn tánh lanh lợi, có trí huệ, trăm nghìn muôn đời, trọn chẳng ngậm câm, hơi miệng chẳng hôi, lưỡi thường không bịnh, miệng cũng không bịnh, răng chẳng dơ đen, chẳng vàng chẳng thưa, cũng chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng sếu gãy, môi chẳng trớt, cũng chẳng rút túm, chẳng thô rít, chẳng ghẻ mụt, cũng chẳng sứt hư, cũng chẳng cong vẹo, cũng dày chẳng lớn, cũng chẳng đen nám. Không có các tướng đáng chê. Mũi chẳng xệp giẹp, cũng chẳng cong gãy, sắc mặt chẳng đen, hẳng hẹp dài cũng chẳng hóm gãy.
Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Ða ! Nếu như lại có người, nói với người khác rằng : Hiện nay có đạo tràng giảng Kinh Pháp Hoa, chúng ta có thể cùng nhau đi đến nghe. Người đó nghe lời khuyên, đi đến nghe Kinh Pháp Hoa trong chốc lát. Người khuyên và người nghe kinh đó, đắc được công đức, khi sinh thân sau sẽ cùng sinh một chỗ với Bồ Tát Ðà La Ni, được trí huệ sáu căn thông lợi.’’
Hiện tại Phật Giáo Giảng Ðường đang giảng Kinh Pháp Hoa. Các vị có thể khuyên các người thân bạn bè, khiến cho họ đến nghe kinh. Chẳng những các vị có công đức, mà người thân bạn bè của quý vị, cũng được công đức, trồng xuống căn lành, phước báu tương lai không thể hạn lượng.
Trong trăm nghìn vạn đời chẳng mắc bệnh câm. Trong miệng chẳng có mùi hôi, thân chẳng tỏa ra mùi hôi. Người tu hành mà chẳng giảng kinh thuyết pháp, thì sẽ mắc bệnh câm; người tu hành chẳng giữ gìn giới luật, thì sẽ tỏa ra mùi hôi thối. Nếu khuyên người khác nghe kinh, thì được công đức lưỡi chẳng bị bệnh tật, miệng chẳng bị bệnh tật, răng chẳng dơ, chẳng đen, chẳng vàng, chẳng thưa, chẳng thiếu rụng, chẳng so le, chẳng cong, rất ngay thẳng và trắng sạch.
Môi rất đẹp, chẳng thòng xuống, cũng chẳng co rút lại, cũng chẳng thô rít, cũng chẳng bị nhọt, cũng chẳng khuyết xấu, cũng chẳng cong vẹo, cũng chẳng dày lớn, cũng chẳng đen xạm, chẳng có chỗ khiến cho người nhàm chán. Có người môi thì trời bao đất (môi trên thì dài môi dưới thì ngắn), hoặc đất bao trời (môi trên thì ngắn môi dưới thì dài), đó là do tiền kiếp thích nói chuyện thị phi mà bị quả báo.
Mũi chẳng dẹp, cũng chẳng cong. Sắc mặt chẳng đen, cũng chẳng dài hẹp, cũng chẳng cong trũng, chẳng có những tướng khiến cho người thấy chẳng vui.
Mũi ngay thẳng, cũng chẳng dẹp, cũng chẳng cong. Sắc mặt chẳng đen cũng chẳng dài hẹp, cũng chẳng trũng ngắn. Chẳng có những tướng khiến cho người thấy chẳng vui. Muốn khiến cho sáu căn trang nghiêm, thì hãy làm nhiều công đức lành, đừng làm việc tội ác. Phàm là người có ngũ quan đoan chánh, thì không cần hỏi mà vẫn biết, nhờ công đức vậy.
Vô hữu nhất thiết bất khả hỉ tướng. Thần thiệt nha xỉ tất giai nghiêm hảo, tỳ tu cao trực. diện mạo viên mãn, my cao nhi trường, ngạch quảng bình chánh, nhân tướng cụ túc, thế thế sở sanh, kiến Phật văn pháp, tín thọ giáo hối.
không có tất cả tướng chẳng đáng ư, môi lưỡi răng nướu thảy điều nghiêm tốt, mũi lớn cao thẳng, diện mạo tròn đầy, mày cao mà dài, trán rộng bằng thẳng, tướng người đầy đủ, đời sanh ra thấy Phật, nghe pháp tin nhận lời dạy bảo.
Ðây là người khuyên người khác đi nghe kinh, và người nghe lời khuyên đi nghe kinh, đều được môi lưỡi răng tốt đẹp trang nghiêm. Mũi thì cao thẳng, mặt mày tròn đầy, mi cao mà dài, trán rộng bằng phẳng, tướng tốt đầy đủ, đời đời sinh ra nơi nào cũng được thấy Phật, nghe pháp, sinh niềm tin, tiếp nhận lời Phật dạy, tức là y giáo phụng hành.
A Dật Đa! nhữ thả quán thị, khuyến ư nhất nhân lệnh vãng thính pháp, công đức như thử, hà huống nhất tâm thính thuyết, độc tụng, nhi ư Đại chúng vi nhân phân biệt, như thuyết tu hành?
A Dật Ða! Ngươi hãy xem khuyên nơi một người khiến qua nghe pháp mà công đức như thế, huống là một lòng nghe, nói, đọc, tụng, lại ở trong đại chúng vì người phân biệt, đúng như lời dạy mà tu hành.
Phật lại gọi một tiếng : ‘’A Dật Ða ! Ông hãy xem, chỉ khuyên một người đến đạo tràng nghe pháp, mà được công đức nhiều như thế. Hà huống là chuyên tâm nghe giảng, đọc tụng, ở trong đại chúng lại hay phân biệt vì người giải thích pháp tu hành, công đức đó càng rộng lớn.’’
“Nhĩ thời Thế Tôn dục trọng tuyên thử nghỉa, nhi thuyết kệ ngôn:
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa này, bèn nói bài kệ rằng:
Lúc đó, Ðức Phật muốn thuật lại nghĩa lý trường hàng ở trên, bằng kệ dưới đây.
Nhược nhân ư pháp hội Nếu người trong pháp hội
Đắc văn thị Kinh điển, Ðặng nghe kinh điển này
Nãi chí ư nhất kệ. Nhẫn đến một bài kệ
Tùy hỉ vị tha thuyết, Tùy hỷ vì người nói
Như thị triển chuyển giáo, Xoay vần lại như thế
Chí vu đệ ngũ thập, Ðến người thứ năm mươi
Tối hậu nhân hoạch phước. Người rốt sau đặng phước
Kim đương phân biệt chi. Nay sẽ phân biệt đó
Nếu như có người, ở trong pháp hội được nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cho đến một bài kệ, mà có sở tâm đắc, tùy hỷ đối với người khác giảng nói nghĩa lý bài kệ đó. Cứ như thế truyền dạy đến người thứ năm mươi, thì người đó đắc được phước báu như thế nào ? Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói, mong rằng các ông hãy lắng nghe.
Như hữu Đại thí chủ, Như có đại thí chủ
Cung cấp vô lượng chúng. Cung cấp vô lượng chúng
Cụ mãn bát thập tuế. Ðầy đủ tám mươi năm
Tùy ý chi sở dục. Tùy ý chúng ưa muốn
Kiến bỉ suy lão tướng, Thấy chúng: Tướng già suy
Phát bạch nhi diện trứu. Tóc bạc và mặt nhăn
Xỉ suy hình khô kiệt. Răng thưa, thân khô gầy
Niệm kỳ tử bất cửu, Nghĩ kia sắp phải chết
Lần lượt nói ra, như có vị đại thí chủ, dùng đủ thứ của cải vật chất, để bố thí cho vô lượng vô số chúng sinh đã hơn tám mươi năm, tùy ý muốn cần dùng của họ, đều khiến cho họ mãn nguyện.
Vị đại thí chủ đó, thấy những chúng sinh đó đã già nua, tóc bạc mặt nhăn, răng rụng, hình hài khô gầy. Lại biết họ sống chẳng còn bao lâu, bèn khởi tâm thương xót, khiến cho họ thoát khỏi biển khổ sinh tử, đến được bờ Niết Bàn bốn đức: Thường, lạc, ngã, tịnh.
Ngã kim ứng đương giáo, Ta nay phải nên dạy
Lệnh đắc ư đạo quả. Cho chúng đặng đạo quả
Tức vi phương tiện thuyết, Liền vì phượng tiện nói
Niết Bàn chân thật Pháp, Pháp Niết bàn chơn thật
Thế giai bất lao cố, Ðời đều chẳng bền chắc
Như thủy mạt phao diễm, Như bọt bóng ánh nắng
Nhữ đẳng hàm ứng đương, Các ngươi đều nên phải
Tật sanh yếm ly tâm. Mau sanh lòng nhàm lìa
Bây giờ ta phải dạy họ pháp môn tu ra khỏi thế gian, khiến cho họ đều đắc được đạo quả A La Hán. Lập tức dùng phương tiện, vì họ nói từ sinh tử bờ bên này, vượt qua dòng phiền não, đạt đến bờ Niết Bàn bên kia.
Tất cả sự tướng thế gian đều chẳng vững bền, đều hư vọng huyễn hóa chẳng thật. Giống như bọt nước ngọn lửa đều vô thường. Các ông nên biết đều là không, đừng tham luyến hồng trần, hãy mau nhàm lìa thế giới Ta Bà, trở về ngôi nhà tự có sẵn; cõi Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ.
Chư nhân văn thị pháp, Các người nghe pháp đó
Giai đắc A La Hán, Ðều đặng A La Hán
Cụ túc lục Thần thông, Ðầy đủ sáu thần thông
Tam minh bát giải thoát. Ba minh, tám giải thoát
Tối hậu đệ ngũ thập, Người năm mươi rốt sau
Văn nhất kệ tùy hỉ, Nghe một kệ tùy hỷ
Thị nhân phước thắng bỉ. Người này phước hơn người kia
Bất khả vi thí dụ. Không thể thì dụ đặng
Những chúng sinh đó, nghe pháp của vị đại thí chủ đó rồi, bèn phát tâm tu hành, sau đó hết thảy đều đắc được quả A La Hán.
Họ có đủ sáu thần thông, sáu thần thông là gì ?
1). Thiên nhãn thông : Nhìn thấy được cảnh giới khoái lạc của trời người, lại thấy được tình hình thọ khổ dưới địa ngục, rõ ràng như xem truyền hình.
2). Thiên nhĩ thông : Chẳng những thấy được hành động của trời người, mà còn nghe được trời người nói chuyện, giống như nghe máy thu băng.
3). Tha tâm thông : Biết được trong tâm kẻ khác nghĩ việc gì.
4). Túc mạng thông : Quán sát được nhân duyên quá khứ, và nhân quả tương lai của chính mình và người khác.
5). Thần túc thông : Có thể hành động ở trong định, hoặc đi đứng ở trong hư không, đến đi tự tại, nhậm vận tự tại, chẳng bị điều kiện hạn chế nào.
6). Lậu tận thông : Tức là quét trừ tất cả phiền não, chẳng có mọi vọng tưởng. Các lậu đã sạch, chẳng thọ thân sau nữa. Ngoại đạo chỉ có năm thần thông, mà chẳng có lậu tận thông.
Lại có đủ ba minh và tám giải thoát. Ba minh :
1). Túc mạng minh.
2). Thiên nhãn minh.
3). Lậu tận minh.
Tức cũng là biết tướng sinh tử đời quá khứ của mình, và của người khác; lại biết tướng sinh tử vị lai của mình, và của kẻ khác; lại biết tướng khổ hiện tại, trí huệ đoạn sạch tất cả phiền não. Ba minh ở tại Phật là ba đạt, ở tại A La Hán là ba minh. Trí biết pháp hiển rõ là ba minh. Tám giải thoát đã giải thích ở trước rồi, chẳng cần nói nữa.
Lần lượt đến người thứ năm mươi, họ chỉ nghe được một bài kệ Kinh Pháp Hoa, mà tùy hỷ công đức, thì đắc được phước báu, lớn hơn so với vị đại thí chủ gấp trăm lần. Phước báu đó chẳng cách chi nói hết được, dù dùng ví dụ để hình dung, cũng chẳng nói được bờ mé của nó.
Như thị triển chuyển văn, Xoay vần nghe như thế
Kỳ phước thượng vô lượng, Phước đó còn vô lượng
Hà huống ư pháp hội, Huống là trong pháp hội
Sơ văn tùy hỉ giả. Người tuỳ hỷ ban đầu
Lần lượt nghe kinh như thế, còn được vô lượng phước báo, hà huống là người đầu tiên ở trong pháp hội nghe, mà tùy hỷ công đức, công đức của người đó càng lớn hơn. Các vị chú ý ! Phàm là nơi nào có giảng kinh thuyết pháp, mà tùy hỷ tham gia, thì nhất định có phước đức không thể nghĩ bàn.
Nhược hữu khuyến nhất nhân. Nếu có khuyên một người
Tướng dẫn thính pháp hoa, Dắt đến nghe Pháp hoa
Ngôn thử Kinh thâm diệu, Kinh nầy rất nhiệm mầu
Thiên vạn kiếp nan ngộ. Nghìn muôn kiếp khó gặp
Tức thọ giáo vãng thính. Liền nhận lời qua nghe
Nãi chí tu du văn, Nhẫn đến nghe giây lát
Tư nhân chi phước báo, Phước báu của người đó
Kim đương phân biệt thuyết. Nay nên phân biệt đó
Nếu như có người dẫn họ đến đạo tràng (chùa) nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và nói với họ : ‘’Kinh Pháp Hoa là kinh thâm áo vi diệu nhất, trong trăm nghìn vạn kiếp khó gặp được.’’ Tóm lại, chẳng dễ gì gặp được cơ hội có người giảng Kinh Pháp Hoa. Cho nên, tôi khuyên các vị phải tùy hỷ nghe kinh, bất cứ người nào giảng kinh gì, ở trong phạm vi có khả năng, thì phải tham gia pháp hội, được phước báo chẳng nhỏ. Có cơm có thể không ăn, nhưng kinh thì không thể không nghe, có tư tưởng như thế, thì mới là tiêu chuẩn của Phật giáo đồ. Nên nhớ, không thể một bên thì nghe kinh, một bên thì khởi vọng tưởng, hoặc là ngủ gục, do đó có câu: ‘’Tâm chẳng chú ý, thì thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe.’’ Pháp sư giảng giải nghĩa kinh mà chẳng hiểu biết. Tại sao như vậy? Vì chẳng lọt vào tai.
Người đó nghe lời bèn đến đạo tràng nghe Kinh Pháp Hoa, dù trong thời gian rất ngắn, mà chuyên tâm nghe giảng, thì người đó đắc được phước báu, nay ta (Ðức Phật) sẽ phân biệt nói cho ông (Bồ Tát Di Lặc) nghe.
Thế thế vô khẩu hoạn. Ðời đời miệng không bệnh
Xỉ bất thụ hoàng hắc, Răng chẳng thưa vàng đen
Thần bất hậu khiên khuyết. Môi chẳng dày teo thiếu
Vô hữu khả ác tướng, Không có tướng đáng chê
Thiệt bất kiền hắc đoản. Lưỡi chẳng khô đen ngắn
Tỳ cao tu thả trực. Mũi cao lớn mà ngay
Ngạch quảng nhi bình chánh, Trán rộng và bằng phẳng
Diện mục tất đoan nghiêm, Mặt, mắt đều đoan nghiêm
Vị nhân sở hỉ kiến, Ðược người thấy ưa mến
Khẩu khí vô xú uế, Hơi miệng không hôi nhơ
Ưu bát hoa chi hương, Mùi thơm bông ưu bát
Thường tùng kỳ khẩu xuất. Thường từ trong miệng ra
Người tùy hỷ nghe Kinh Pháp Hoa, đắc được phước báu đời đời miệng chẳng có bệnh, răng chẳng thưa, chẳng vàng, chẳng đen, rất ngay thẳng, đều trắng sạch. Bậc Thánh nhân có bốn mươi cái răng, phàm phu có ba mươi hai cái, Phật có bốn mươi cái răng. Bồ Tát Hoa Nghiêm (Ðường Chứng Quán Quốc Sư) có bốn mươi cái răng. Có gì chứng minh Bồ Tát Hoa Nghiêm là Chứng Quán Sư, còn gọi là Thanh Lương Quốc Sư, Ngài là thầy của bảy vị vua nhà Ðường. Tướng của Ngài rất trang nghiêm, chẳng những có bốn mươi cái răng, mà con mắt sáng như sao, ban đêm phóng quang, hai tay dài quá đầu gối, mắt nhìn một lần mười hàng, thiên sinh dị bẩm (trời sinh khác thường).
Sau khi Ngài viên tịch, thì ở Ấn Ðộ có vị Tăng đã chứng đắc A La Hán, đến Trung Quốc hoằng dương Phật pháp, tục Phật huệ mạng, đi ngang qua Thông Lĩnh, đột nhiên thấy có hai đồng tử đằng vân đi qua, vị Tăng đó dùng thần thông chận hai vị đồng tử lại, mới hỏi họ đang đi đâu ? Và có việc gì ? Hai vị đồng tử đáp : ‘’Chúng tôi đến Trung Quốc thỉnh răng của Bồ Tát Hoa Nghiêm về an trí tại Ðiện Văn Thù ở Ấn Ðộ để cúng dường.’’ Vị Tăng hỏi : ‘’Ai là hóa thân của Bồ Tát Hoa Nghiêm ?‘’ Hai vị đồng tử đáp : ‘’Chứng Quán Quốc Sư.’’ Nói xong hai vị đồng tử đằng vân mà đi.
Vị A La Hán đó đến Trường An, đem việc đó tấu rõ cho vua nghe, cho phép mở quan tài của Ngài Chứng Quán Quốc Sư, quả nhiên phát hiện thiếu hai cái răng cửa. Do đó, mọi người đủ biết Ngài Chứng Quán Pháp Sư là hóa thân của Bồ Tát Hoa Nghiêm, thừa nguyện đến để giáo hóa chúng sinh.
Người tùy hỷ Kinh Pháp Hoa thì môi chẳng dày, cũng chẳng mỏng, vừa đẹp. Lại chẳng co chẳng thiếu, rất đoan chánh, chẳng có tướng đáng chê. Lưỡi chẳng khô khan, chẳng đen xạm, chẳng ngắn nhỏ. Mũi vừa cao vừa thẳng, chẳng cong gãy. Trán thì rộng bằng phẳng. Mặt như trăng rằm, mắt màu xanh biếc, hoàn toàn trang nghiêm. Ngũ quan của người đó đoan chánh, ai ai cũng hoan hỷ thấy họ. Trong miệng của người đó, chẳng có hơi hôi thối, thường tỏa ra hương vị thơm của hoa ưu bát, vì thường đọc tụng Kinh Pháp Hoa.
Nhược cố nghệ tăng phường, Nếu cố đến Tăng phường
Dục thính Pháp Hoa Kinh, Muốn nghe kinh Pháp Hoa
Tu du văn hoan hỉ, Giây lát nghe vui mừng
Kim đương thuyết kỳ phước. Nay sẽ nói phước đó:
Hậu sanh Thiên Nhân trung, Sau sanh trong trời người
Đắc diệu tượng mã xa. Ðặng voi, xe, ngưa tốt
Trân bảo chi liễn dư. Kiệu, cáng bằng trân báu,
Cập thừa Thiên cung điện. Cùng ở cung điện trời.
Nếu như có người muốn nghe Kinh Pháp Hoa, mà đến chỗ của chư Tăng ở, dù nghe kinh này trong thời gian chốc lát, mà sinh tâm tùy hỷ, y giáo phụng hành, nay ta sẽ vì ông nói ra phước báu của họ đắc được. Sau khi người đó chết đi, chẳng sinh về cõi trời, thì sinh vào cõi người, được voi ngựa xe báu. Ở cõi trời thì được ở cung điện trời, đắc được phước báu như thế.
Nhược ư giảng Pháp xứ, Nếu trong chỗ giãng pháp
Khuyến nhân tọa thính Kinh. Khuyên người ngồi nghe kinh
Thị phước nhân duyên đắc. Nhơn vì phước đó đặng
Thích Phạm chuyển luân tọa. Tòa Thích, Phạm, Chuyển luân.
Hà huống nhất tâm thính. Huống là một lòng nghe
Giải thuyết kỳ nghĩa thú, Giải nói nghĩa thú kinh
Như thuyết nhi tu hành, Như lời nói tu hành
Kỳ phước bất khả lượng. Phước đó chẳng lường đặng
Nếu như ở chỗ giảng kinh thuyết pháp, mà khuyên họ ngồi xuống nghe kinh, do nhân duyên đó nên được phước báo, tương lai có thể ngồi ở chỗ ngồi của trời Ðế Thích, hoặc chỗ ngồi của Ðại Phạm Thiên Vương, hoặc chỗ ngồi của vua Chuyển Luân Thánh Vương. Hà huống tự mình chuyên tâm nghe kinh, giải nói được nghĩa lý của Kinh Pháp Hoa, y theo pháp nói trong Kinh Pháp Hoa mà tu hành, thì được phước báu không thể hạn lượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét